Có ba thứ quan trọng đối với một con người đó là: Tiền, Danh dự, và Nước mắt. Nhưng tại thời điểm tạo lập trang mạng Quang Vũ, cả ba thứ tôi đều không có.

Thứ duy nhất tôi có tại thời điểm đó là tâm hồn của tôi đã hòa được với các giá trị của đạo đức học, triết học, văn học – thi ca mang tính nhân bản. Tôi đã nhìn ra được cái tinh thần giáo dục trên ba trụ cột là: Tính Nhân bản – Dân tộc – và Khai phóng

Thời điểm tạo lập mạng Quang Vũ

Mọi thứ trong kiếp nhân sinh đều có nguyên nhân của nó. Nói theo ngôn ngữ của Phật gia thì gọi là Nhân và Quả. Quả ở hiện tại được hình thành từ một Nhân đã gieo ở quá khứ. Và Quả nhận được trong tương lai là do cái Nhân đang gieo trong thì hiện tại.

Con người thiếu hụt cái gì thì sẽ tìm kiếm cái đó để lấp vào. Mục đích là tạo ra sự Cân Bằng trong tâm thức và cảm xúc. Tôi đã vận hành cỗ máy tâm thức của mình ngược với Đạo tự nhiên, tôi đã (có lẽ là) thiếu Đức. Thế cho nên vô tình, hay hữu ý, thánh nhân, trời đất đã chỉ lối cho tôi để tôi nhận ra được khi con người vận hành tâm thức ngược với vòng quay tự nhiên của Đạo thì sẽ tạo ra những hệ lụy như thế nào. Những cái hệ lụy đó biểu hiện ra trong cuộc sống ở dạng bạn bị rơi vào tình trạng thiếu thứ gì đó như tiền bạc, tình cảm, hay bị rơi vào trạng thái mê tín, lú lẫn, không nhận thức được đúng sai phải trái, .v.v….

Truy cầu Đại Đạo – bản chất của nó là Phản bổn quy chân. Ở một thời khắc nào đó trong chuỗi nhân quả, tâm của mình bị bụi bám, và nhờ hấp thu được tinh hoa Đạo học, triết học nhân sinh mà bản thân có thể quay ngược trở lại vào trong tâm thức và phủi đi lớp bụi đó cho tâm sáng trở lại. Khi tâm sáng trở lại thì trí tuệ hanh thông, cảm xúc được cân bằng và bản thân trở về trạng thái Cân Bằng.

Cân Bằng nói theo ngôn ngữ Phật gia là con đường trung đạo. Theo ngôn ngữ Khổng gia là đã biết tu thân theo sự trung dung. Và Cân Bằng là cơ sở để có thể thực hành được cách sống Vô vi mà Lão gia chỉ dạy

Tâm thức trong trạng thái Cân Bằng

Ngược dòng thời gian

… quay trở lại nhiều năm về trước, và những sự kiện đã diễn ra

Thực sự, nếu chỉ nhìn trên khía cạnh về lý trí thì trong bao nhiêu năm qua tôi không muốn mình để tâm vào những cái về đạo đức học, triết học, lịch sử, văn hóa, văn học, thi ca. Vì nó làm tôi mất rất nhiều thời gian.

Tôi luôn đủ tỉnh táo để ý thức được rằng mình cứ nghiên cứu lịch sử văn hóa triết học như này là mất nhiều thời gian lắm. Vậy mà có một điều gì đó vô hình đẩy tôi đi mà tôi không biết lực vô hình đó là gì !? Có những khoảng thời gian tôi bỏ bê công việc vì nghiên cứu. Có những khoảng thời gian tôi đi làm nửa ngày còn nửa ngày là nghiên cứu.

Khi tôi mở trang Quang Vũ, tôi nghĩ có lẽ là để Trả Nợ với đời, chứ thực tình thì cái lợi trước mắt là không có, nhưng bỏ công bỏ thời gian ra là thấy rõ. Cứ coi như là làm không công đi, nhưng vẫn phải có trách nhiệm, vì mình đã từng trải rồi, đã có trí rồi thì mình phải có trách nhiệm với những điều mình viết ra. Có thể những điều mình viết ra, đưa lên mạng, thông tin lan truyền siêu tốc đến nghìn người, thậm chí hàng trăm nghìn người. Mục đích khi đã viết lách công khai như thế này thì phải mang lại những thay đổi tích cực cho người đọc nó.

Quay trở lại vấn đề đã nói…

Sống là một người bình thường thì chỉ cần có một công việc ổn định, một gia đình nhỏ là đủ rồi. Đâu cần phải đi tìm hiểu những thông tin, tri thức mà đến (theo tôi ước lượng) 95% dân số không cần dùng đến.

Nhưng tôi bị rơi vào một cảm giác cứ không yên tâm rất khó giải thích. Nếu lúc đó tôi đọc lịch sử, văn hóa thì mình lại được cân bằng trở lại.

Cảm xúc của tôi khi nhìn về lĩnh vực xã hội học khá là lẫn lộn, lúc thích lúc không, lúc đề cao, lúc cũng có phần xem nhẹ. Năm đầu của cấp hai, thích vẽ. Năm cuối của cấp ba, thích khoa học xã hội, nhưng cứ nghĩ về những người như nhà văn họa sĩ nhà thơ thì mình lại đánh giá thấp họ. Năm đó quyết định thi vào khối tự nhiên, ngành học công nghệ thông tin vì cho rằng con trai theo khoa học kỹ thuật thì mạnh mẽ hơn.

Đến hiện tại, sau nhiều năm tôi đã đánh giá đa diện hơn về sự mạnh mẽ của con người. Ở Á đông, vùng văn hóa các nước Đông Á, con người coi trọng sự điềm đạm. Những người bên ngoài bình thường, có sự khiêm cung, từ tốn thường là những người có cảm xúc ổn định, nội lực có, họ là những người mạnh mẽ về phần tâm. Có những người biểu lộ ra bên ngoài bằng những hình thức như nói to át người, ra oai ra vẻ thì thường họ là người có cái nội tâm yếu, vì thế mới phải dùng những biểu lộ bên ngoài để che đậy.

Trước năm hai mươi tuổi, tôi giống người thứ nhất, có sự điềm đạm. Nhưng sau năm hai mươi tuổi, tôi dần mất đi sự điềm đạm, vì tôi đã học và hấp thụ quá nhiều văn hóa phương tây. Tuổi trẻ lúc đó chưa va đập nhiều, cứ cho rằng phương tây cái gì cũng tốt thế là mình áp dụng văn hóa của họ vô tội vạ, và phần nhiều thì không phù hợp với cách sống của người Việt.

Tôi đã may mắn khi dần dần nhận ra những hạn chế của văn hóa phương tây và dần dần quay ngược trở lại nhìn trở về văn hóa phương đông.

Tôi đã quá hồ đồ rồi. Phương tây họ vươn lên so với châu Á mới chỉ 500 năm trở lại đây. Còn trước đó, người châu Á thậm chí còn coi người châu Âu hạ đẳng hơn. Trung quốc suốt từ năm 600 đến khoảng 1500 luôn là cường quốc đứng đầu thế giới. Thời kỳ nhà Hán, Trung quốc cũng đứng số một thế giới cùng với đế chế La mã. Mà bạn biết đấy, Việt Nam có khoảng 1000 năm nội thuộc Trung quốc, vì thế cũng có thể coi rằng chúng ta được sinh ra trên vùng đất văn minh nhất của loài người. Chúng ta phải biết tôn vinh văn hóa và tinh hoa đông á nói chung và tinh hoa Việt nói riêng.

Là người Việt nam chúng ta có quyền tự hào về điều đó.