Cái nhìn về con người, văn hóa, kinh tế
Góc nhìn và quan điểm
Vùng văn hóa Đông Á (塳文化東亞) hay còn gọi là Vùng văn hóa chữ Hán (塳文化𡨸漢), Đông Á văn hóa quyển (東亞文化圈), Hán tự văn hóa quyển (漢字文化圈) hoặc đơn giản hơn với cách gọi Á Đông (亞東),Hán quyển (漢圈).
Là tên gọi chỉ cộng đồng các nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, bao gồm sự ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo, đã từng sử dụng chữ Hán làm công cụ truyền bá ngôn ngữ và truyền tải văn hóa như Việt Nam, Triều Tiên, hoặc đang sử dụng chữ Hán làm công cụ truyền bá ngôn ngữ và truyền tải văn hóa như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã được coi là một trong những nền văn minh lớn nhất thế giới. Sự hình thành nền văn hóa của người Hán tại sông Hoàng Hà vẫn thường được coi là điểm khởi đầu của thế giới Đông Á. Ngày nay, tổng dân số của khu vực này lên tới khoảng gần 2 tỉ người.
Nhà sử học người Nhật Nishijima Sadao (西嶋定生, 1919–1998), giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo ban đầu đã đặt ra thuật ngữ 東亜文化圏 (Đông Á văn hóa quyển). Ông quan niệm về một văn hóa quyển của Trung Quốc và các nước Đông Á khác với phương Tây.
Theo Nishijima, khu vực này cùng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và có cùng cấu trúc chính trị xã hội. Khu vực này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, kéo dài tới những vùng đất giữa Mông Cổ và dãy Himalaya.